🔴 20210820.Ngành Thiết Kế Nội Thất - Buổi Bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp năm 2021 đợt 2 trực tuyến

🔴 Ngày 20/08/2021, Ngành Thiết Kế Nội Thất, Khoa Thiết Kế và Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen có tổ chức buổi Bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp online trực tuyến trong bối cảnh Tp.HCM còn đang giãn cách xã hội.

Bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp

Ngành Thiết Kế Nội Thất

Khoa Thiết Kế và Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen trân trọng giới thiệu
Trong điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh còn đang giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Ngành Thiết Kế Nội Thất, Khoa Thiết Kế và Nghệ Thuật, trường Đại học Hoa Sen tổ chức buổi Bảo vệ Đồ án Tốt Nghiệp trực tuyến cho 7 sinh viên đợt 2 năm 2021 
Hội dồng Bảo vệ Đồ án Tốt nghiệp
Ngành Thiết Kế Nội Thất năm 2021, đợt 2

1. ĐỀ TÀI: VĂN PHÒNG CẢI THIỆN SỨC KHỎE CHO  NGƯỜI LÀM THIẾT KẾ 
SV: NGUYỄN NGỌC MAI 

Đồ án Tốt nghiệp của sv Nguyễn Ngọc Mai
"Văn phòng cải thiện sức khỏe cho người làm thiết kế"
Tốc độ biến đổi khí hậu không ngừng nghỉ cùng với đại dịch Covid hiện nay cho thấy vấn đề sức khỏe đang được quan tâm hàng đầu. Với một mong muốn chúng ta có thể vượt qua được đại dịch và mọi người có thể gặp nhau cũng như đi làm lại ở những văn phòng bình thường. 
Một văn phòng cải thiện được sức khỏe thực sự rất cần thiết do đó ý tưởng thiết kế một văn phòng đem lại lợi ích cho con người chính là sự lựa chọn của bản thân em giữa các chủ đề khác nhau.
Nghề thiết kế là một trong những nghề về lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe nhất. Người làm thiết kế sẽ mắc các bệnh về cột sống,tim mạch, bệnh về mắt,… do phải ngồi quá lâu trước màn hình máy tính và phải chạy deadline trong môi trường làm việc chật chội.
Chính vì vậy mà không gian văn phòng cần được quan tâm nhiều hơn để tạo cho nhân viên sự thoải mái, sáng tạo, nâng cao năng suất trong công việc.

2. TRUNG TÂM DẠY HỌC DÀNH CHO TRẺ KHIẾM THỊ 'SERENITY' 
SV: NGUYỄN UYÊN THẢO 

Đồ án Tốt nghiệp của sv Nguyễn Uyên Thảo
"Trung tân dạy học dành cho trẻ khiếm thị - Serenity"
Với người bình thường, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, đẹp như lời ca trong bài hát Đôi mắt của cố nhạc sĩ Xuân Hồng: “Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời/ Để nhìn đời và để làm duyên…”.
Còn với những đứa trẻ khiếm thị, đời được “nhìn” bằng cách lắng nghe, cảm nhận, tưởng tượng và duyên được thể hiện qua sự lạc quan cùng cách lan tỏa niềm yêu đời cho những người xung quanh.
Ánh sáng cuộc sống của trẻ khiếm thị nói riêng và người khiếm thị nói chung là việc tiếp cận với môi trường giáo dục, giúp họ có một cuộc sống khác, cuộc sống bình thường như mọi người.
Trong số 1631 trường học với các bậc học ở thành phố, chỉ có 53 trung tâm, lớp điều trị và trường chuyên biệt. Và trong số 53 ấy chỉ có 4 trường và trung tâm về khuyết tật thị giác. Đó chính là thực trạng ở thành phố về sự thiếu hụt trường học, giáo viên và sự quan tâm với nhóm người khuyết tật trong xã hội. 
Vì lý do trên, tác giả mong muốn thực hiện một đề tài thiết kế đặc biệt dành cho một đối tượng phần nào bị lãng quên trong xã hội. Đây là đối tượng mà nếu được hỗ trợ một môi trường học tập đúng đắn, phù hợp thì các bé có thể sớm phát triển hòa nhập với cộng đồng và cũng có nhiều đóng góp như những trẻ em bình thường khác.

3. ĐỀ TÀI: SHOWROOM HARLEY-DAVIDSON 
SV: NGUYỄN MINH SANG 

Đồ án Tốt nghiệp của sv Nguyễn Minh Sang
"Showroom Harley-Davidson"
Đối với những người đam mê hay yêu thích về xe mô tô thì một chiếc xe phân khối lớn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người dùng. Harley Davidson đại diện cho sự phiêu lưu, tự do, cá tính và cuộc sống sống bằng cả năm giác quan của bạn - cảm giác rằng vì bạn sở hữu một chiếc mô tô Harley Davidson, bạn là người đặc biệt, bạn thuộc về tự do. 
Harley Davidson có một nhóm khách hàng rất đa dạng họ có thể là phụ nữ, đàn ông và giới trẻ. Ở độ tuổi là 18 đến 50 tuổi thậm chí có thể cao hơn, thuộc đủ các nhóm ngành nghề, từ diễn viên, nha sĩ hay giám đốc công ty, làm văn phòng hay chính trị,... Khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp nhưng những con người này có điểm chung là muốn "trở về con người thật của mình" cùng chiếc xe Harley Davidson rong ruổi dặm đường trong cảm giác tự do và một chút nổi loạn.'

4. ĐỀ TÀI: BẢO TÀNG GỐM MANG THÍT
SINH VIÊN : NGUYỄN CÔNG DANH 

Đồ án Tốt nghiệp của sv Nguyễn Công Danh
"Bảo Tàng gốm Man Thít"
Về miền Tây, đến Vĩnh Long các bạn sẽ thấy những làng gốm bên dòng sông Mang Thít, đẹp đến nao lòng. Nhưng hiện nay làng gốm đang dần bị mai một. Những người trẻ không còn mặn mà với công việc truyền thống chân lấm tay bùn nữa mà họ đã rời xa quê hương lên thành phố lập nghiệp. Sau những lần về Mang Thít thì tôi luôn day dứt là làm thế nào níu giữ người dân ở lại với mảnh đất quê hương của họ, dìn giữ những giá trị truyền thống mà bao đời nay đã được xây dựng trên vùng đất Mang Thít, với minh chứng là những lò gốm đã tạo nên những quần thể kiến trúc đẹp và mang giá trị lịch sử lao động của người dân miền Nam. Bảo Tàng Gốm Mang Thít đã được ra đời như vậy. Tôi luôn hy vọng sẽ hồi sinh vùng đất này theo cách của riêng mình, bằng Đồ án tốt nghiệp của chính mình, trong cảm xúc đối với vùng đất Mang Thít lớn và mãnh liệt đến thế.
Và tôi đã tạo nên công trình kiến trúc mang phong cách đương đại với tinh thần tôn trọng và hai hòa với những lò gốm yên bình bên dòng sông Mang Thít. Đây là những ngày tôi trải nghiệm cuộc sống những người nông dân bên những tác phẩm gốm của họ, lặng lẽ bên những lò gốm như những tác phẩm nghệ thuật trên những cánh đồng Nam Bộ bình yên rực rỡ lúa vàng...
Bảo tàng Gốm Mang Thít không chỉ trưng bày những sản phẩm gốm như những dấu vết tái hiện lịch sử lao động, nghệ thuật của gốm mộc miền nam, mà tôi muốn nó phải kể được câu chuyện của chính mình, câu chuyện về người cha, người mẹ chở những con thuyền đầy gốm lên thành phố phồn hoa, và rồi trở về mua cho những em bé mong chờ những tấm áo, những viên kẹo và những câu chuyện như những chuyến phiêu lưu, như những câu chuyện kể dưới mái lá dừa bên hương thơm lúa ngọt ngào cũng mùi đất nung nồng ấm. Không chỉ là những tác phẩm gốm mộc đơn sơ mộc mạc, mà là tâm hồn con người miền Nam chân chất, trong cảnh sắc miền Nam tươi đẹp, nơi con người hòa mình và gắn kết cùng thiên nhiên êm đềm. 
Gốm Mang Thít không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà đó chính là cuộc sống và cuộc đời của con người Mang Thít, lò gốm này không phải như chúng ta thấy bên ngoài thô ráp mà trong lòng nó còn chứa đựng cuộc sống và tâm hồn của người dân nơi này.

5. ĐỀ TÀI: TRUNG TÂM TRƯNG BÀY ÁO DÀI GẤM DỆT HOA THÊU
SINH VIÊN: VŨ TÚ LINH
.

Đồ án Tốt nghiệp của sv Vũ Tú Linh
Trung tâm Trưng bày Áo dày Gấm dệt Hoa thiêu
Trang phục là một trong ba yêu cầu thiết yếu của đời sống vật chất con người, là sản phẩm văn hóa sớm nhất của xã hội. Trang phục có vai trò không những che thân mà còn thể hiện vị thế xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, thẩm mỹ tự thân, và bản sắc địa phương về phương diện giao lưu văn hóa với các nước khác. Trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm của đất nước, với những diễn biến phát triển và giao lưu văn hóa cũng như phong tục tập quán từng địa phương, thì trang phục của người phụ nữ Việt đã tạo nên nhiều dấu ấn riêng ở từng giai đoạn, đã góp phần hình thành nên bản sắc riêng trong bức tranh văn hóa Việt Nam nói chung. Về chất liệu của trang phục được ưa chuộng có nguồn gốc chính từ tơ tằm và trang trí thêu tay. Các sản phẩm trang phục được hình thành từ các chất liệu rất đa dạng với kỹ thuật thủ công như tơ, lụa, gấm dệt, và thêu hoa.
Từ những điều đó, tôi đã lấy cảm hứng từ hình ảnh các làng nghề dệt lụa tơ tằm, hình ảnh người dân phơi các tấm lụa mềm mại dưới ánh nắng. Và bối cảnh làng quê giản dị để tôi hoàn thành bài đồ án tốt nghiệp này. 
Hiện nay, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Các thế hệ mới đã nhanh chóng thích ứng với nhiều xu hướng trang phục từ các nền văn hóa khác nhau và hầu như lãng quên đi các trang phục được tạo ra từ những kỹ thuật truyền thống của cha ông.
Với chủ đề “Gấm dệt Hoa thêu" này, là đồ án tạo ra không gian cho các sản phẩm trang phục với chất liệu và kỹ thuật truyền thống, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời của người xưa, và cũng thông qua không gian này góp phần quảng bá văn hóa truyền thống cho những du khách trong và ngoài nước, mà trang phục của người phụ nữ với những chất liệu và kỹ thuật lâu đời, như là một bản sắc riêng, là một trong những thành phần của văn hóa xa xưa ấy.

6. ĐỀ TÀI: TIỆM ÁO CƯỚI 
SV: NGUYỄN THỊ NGỌC DUYÊN

Đồ án Tốt nghiệp của sv Nguyễn Thị Ngọc Duyên
"Tiệm áo cưới - The Spring"
Trước đây váy cưới chỉ đơn thuần là bộ váy trắng mà các thiếu nữ tuyển chọn, không đâu xa mà chỉ trong tủ quần áo của mình, vì họ không có điều kiện nhưng họ vẫn phải đẹp trong ngày trọng đại đời mình. Váy cưới của các cô gái trước đây, cũng như đến hiện tại ngày nay, là tác phẩm qua nhiều lần sao chép và phát triển theo bộ Sa-rê của công chủa Philipa – con gái vua Henry IV và được đề cập trong cuốn và được đề cập phổ biến trong Godey’s Lady’s Book. 
Hình thành dựa trên sự khởi đầu, bắt nguồn của những điều tốt đẹp, hạnh phúc và đưa người phụ nữ lên được đỉnh cao của cái đẹp, trang nhã, nhẹ nhàng pha lẫn quý phái, đậm đà bản săc pha lẫn hiện đại cùng với ý tưởng về những bông hoa đua nhau nở vào những dịp Xuân về. Một khởi đầu đẹp và hạnh phúc sẽ được bắt đầu đúng nghĩa, khi các đôi nhân tình đặt những bước chân đầu tiên vào cửa The Spring. Với vẻ ngoài nguy nga, tráng lệ, mang lại cảm giác như được khoác lên mình chiếc váy cưới hoàng tộc, cũng như là là chiếc Sa-rê đầu tiên trong lịch sử. Cùng với đó là những lớp váy xếp chồng lên nhau, như những cánh hoa đang nở, hương thơm ngào ngạt, không chỉ tạo nên được nét đẹp mà còn là duy nhất, đẹp nhất trong ngày quan trọng nhất cuộc đời

7. ĐỀ TÀI: TRIỄN LÃM HÁT BỘI – SẮM TUỒNG
SV: TÔ HOÀNG UYÊN 

Đồ án Tốt nghiệp của sv Tô Hoàng Uyên
"Triển lãm Hát bội - Sắm tuồng"
Càng trưởng thành, con người ta lại càng thích nhớ và tìm về những điều xưa cũ.
Với tôi, Hát Bội rất tình.
Cách đây 2 năm, tôi và các bạn trong nhóm được chọn tác phẩm nghệ thuật sắp đặt về Hát Bội đi thi ở Bảo tàng Mỹ thuật TP. Lúc đó tôi còn hời hợt lắm! Bên trong tôi luôn thôi thúc tôi phải làm gì đó với đề tài này một cách nghiêm túc.
Sau buổi triển lãm đó, bạn tôi nó thích lắm! Nó còn rủ tôi làm bộ nhận diện thương hiệu về Hát Bội. Tôi cảm thấy rất vui khi những gì mình làm là nguồn cảm hứng cho người khác.
Một ngày kia, tôi vô tình xem được đoạn clip phóng sự nhỏ về xóm Hát Bội ở Mỹ Tho. Tôi biết mình cần phải tiếp xúc để hiểu rõ thêm về Hát Bội. Tôi quyết định lên xe về thăm nhà, tìm về cái xóm mà 10 năm về trước, mỗi cuối tuần tôi đều đi học thêm ở đó. 
Tôi nhớ đó là 1 buổi trưa Chủ Nhật, tôi chạy khắp con hẻm ấy nhưng không tìm thấy một dấu hiệu nhận biết nào như trên clip. Tôi lấy hết can đảm của mình hỏi thăm một cô đang ngồi ngoài thềm nhà, cô chỉ tay tôi về phía căn nhà cấp 4 kế bên. Tôi vẫn nhớ cách người ta tiếp đón mình, cái gì đó rất chất phác của người miền Tây. Đây là nhà của bà bầu gánh, bà nói với tôi: “Người ta khổ quá nên đã bán nhà đi nơi khác sinh sống hết rồi.” Tôi lấy điện thoại bật đoạn clip phóng sự cho bà và gia đình bà xem, họ đọc tên từng người một trong clip. Tôi cảm nhận được nỗi nhớ nhung trong ánh mắt của họ.
Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi chạy xe về với một chút tiếc nuối, một chút niềm vui. Từ đó, tôi biết mình phải làm gì trong thời gian sắp tới. Tôi đã chọn Hát Bội làm đề tài cho đồ án tốt nghiệp của mình.
Tôi đến Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP, tìm đến các cô chú nghệ sĩ để có thêm tư liệu cho bài làm. Tôi còn nhớ chú bảo vệ Nhà hát còn hỏi tôi như thế này: “ Sau này thành công, con có nhớ đến Nhà hát không?” Chú dẫn tôi đi khắp từng ngóc ngách để xem hiện trạng Nhà hát. Nhưng sau đó tôi chọn quay về với chính nơi mình dự thi cách đây 2 năm trước bởi một số lý do.
Tôi biết đề tài này rất khó nhưng tôi vẫn cứ thế mà cố gắng làm để đạt được mục đích của mình. Tôi chỉ muốn giúp họ với những gì mình đang theo học. Tôi không ngại việc chọn đề tài này nhiều lần vì tôi nghĩ mỗi lần mình làm mà đạt được kết quả tốt hơn thì tại sao không làm. Đây là kết quả tôi đạt được trong những tháng vừa qua. Chắc hẳn bài làm còn nhiều thiếu sót nhưng phần nào tôi đã đạt được mục tiêu của mình đề ra. Tôi biết tôi đã cố gắng.


Nguồn: Cô Q.Lâm, Ngành Thiết Kế Nội Thất
Được tạo bởi Blogger.